Triết học thế kỷ 19 Triết_học_phương_Tây

Rất khó để tóm lược những tư tưởng của triết học trong thế kỷ 19 thành một chủ đề chủ đạo xuyên suốt, cụ thể. Triết học thời kỳ này giống như nhiều nhánh suối tỏa ra từ một con sông chính và con sông đó chính là hệ thống triết học đồ sộ và phức tạp mà Kant để lại. Nhiều nhà triết học vào thời kỳ sau-Kant tiếp tục nghiên cứu và phát triển một số những tư tưởng chọn lọc trong các công trình của ông, trong khi loại bỏ hoặc giải quyết các mâu thuẫn trong hệ thống này.[161]

Những người trực tiếp kế thừa di sản của Kant là các nhà triết học duy tâm Đức. Nhìn tổng thể, chủ nghĩa duy tâm muốn đề cập lý thuyết rằng mọi vật phải được hiểu trong sự phụ thuộc vào một thực thể tâm trí hoặc ý thức nào đó. Dù tiếp thu ảnh hưởng của Kant, nhiều nhà duy tâm người Đức không đồng tình với những giới hạn nghiêm ngặt mà Kant đặt ra cho tâm trí của con người cũng như quan điểm cho rằng con người không thể trải nghiệm được thế giới đích thực.[162] Một số nhà triết học thuộc vào trường phái này có thể kể đến như Fichte, Schelling nhưng nổi bật hơn cả là Hegel.[163] Schopenhauer lại chối bỏ hệ thống triết học của Hegel và đưa ra cách giải thích hệ thống triết học Kant có kết hợp với các yếu tố từ các tôn giáo phương Đông. Vài thập kỷ sau khi Hegel qua đời, phái Hegel trẻ xuất hiện, họ nghiên cứu và phát triển những di sản theo những hướng khác nhau. Người nổi bật nhất trong số họ là Karl Marx, một nhà triết học theo đường lối duy vật chứ không phải duy tâm.

Thế kỷ 19 cũng ghi dấu sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh. Chủ nghĩa này xuất hiện với hai nhánh hoàn toàn khác nhau, một bên là Kierkegaard với chủ nghĩa hiện sinh tôn giáo và bên kia là Nietzsche, ông tổ của hiện sinh vô thần. Cả hai triết gia này đều sử dụng và triển khai một phần hệ thống triết học của Kant để phát triển những tư tưởng của mình.[162] Với gốc rễ từ thế kỷ 19, chủ nghĩa hiện sinh dần sinh trưởng và thực sự nở rộ vào thế kỷ 20, trở thành một trào lưu triết học có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt của xã hội.

Ở phía bên kia eo biển Manche, nổi bật trong nền triết học Anh Quốc vào thời kỳ này là chủ nghĩa công lợi. Hai đại diện nổi tiếng nhất cho chủ nghĩa triết học này là Jeremy BenthamJohn Stuart Mill. Dù có thể không chịu ảnh hưởng trực tiếp, họ ít nhiều cũng đã tiếp nhận những giá trị triết học từ Kant.[161]

Các nhà duy tâm Đức

Fichte

Johann Gottlieb Fichte sinh năm 1762 tại Đức. Mặc dù vô cùng ngưỡng mộ Kant, Fichte cho rằng triết học Kant có một điểm không chặt chẽ mấu chốt. Kant luôn nói rằng những trải nghiệm của ta được gây ra (hoặc là "sự trình diện") bởi những vật tự thể, thứ mà ta không bao giờ có thể nắm bắt được. Nhưng cũng chính Kant đã nói rằng ý niệm nhân quả chỉ có thể áp dụng trong thế giới khả giác. Nói cách khác, cho rằng những vật tự thể gây ra những trải nghiệm của ta là không thống nhất về mặt lập luận.[164]

Mâu thuẫn này có thể được giải quyết như thế nào? Một cách giải quyết là cho phép mối quan hệ về nhân quả có thể vượt quá thế giới khả giác và cho phép các vật tự thể gây nên trải nghiệm của chúng ta. Đây là con đường của chủ nghĩa giáo điều (Dogmatism), cho rằng nền móng cho những kinh nghiệm của ta là một hiện thực ngoại tại, độc lập (giống như những vật tự thể của Kant). Cách giải quyết thứ hai là gạt bỏ các vật tự thể và cho rằng kinh nghiệm được tạo ra bởi tâm thức. Lúc này, nền móng cho những trải nghiệm của ta sẽ được tìm thấy ở trong bản thể của chính mình chứ không ở một hiện thực ngoại tại nào khác. Đây là con đường của chủ nghĩa duy tâm. Fichte đã chọn cách giải quyết thứ hai và điều này khiến ông được coi là cha đẻ của chủ nghĩa duy tâm Đức.[165]

Hegel

Georg Wilhelm Friedrich Hegel sinh ra tại Stuttgart vào năm 1770, cũng là năm mà Beethoven ra đời và Kant được bổ nhiệm làm giáo sư ở đại học Königsberg. Hegel theo học thần học tại trường Đại học Tubingen.[166] Những giáo sư từng dạy Hegel nhận xét rằng ông chỉ là một học sinh trung bình và khả năng nắm bắt triết học thì cũng khá tầm thường. Thú vị thay, các học giả ngày nay đều công nhận rằng Hegel là một trong những nhà triết học xuất sắc nhất trong thời kỳ hiện đại. Năm 1807, Hegel xuất bản công trình để đời, Hiện tượng học tinh thần, tác phẩm đã nâng tầm ông lên vị trí thống trị trong nền triết học Đức.[167] Năm 1816, Hegel được bổ nhiệm làm giáo sư tại trường Đại học Heidelberg; trong thời gian này, ông cũng xuất bản một công trình lớn khác là Khoa học Logic.[165] Năm 1818, Hegel nhận giảng dạy triết học tại trường Đại học Berlin, vị trí vốn đã trống kể từ khi Fichte qua đời năm 1814. Năm 1829, Hegel được bổ nhiệm làm hiệu trưởng của trường và giữ chức vụ này cho đến khi qua đời một năm sau đó vì dịch bệnh.[166] Tương truyền, lời nói cuối cùng của ông trước khi ra đi là: "Chỉ có một người hiểu tôi, và người ấy cũng không hiểu tôi nốt."[168]

Hegel chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ siêu hình học của Kant song ông bác bỏ quan điểm cho rằng các trải nghiệm của con người được gây ra bởi một thế giới khả niệm (noumena) không thể cảm nhận được. Thay vì chấp nhận sự tồn tại của một thế giới tách biệt khỏi mọi tri giác như vậy, Hegel cho rằng: ý thức đang cấu trúc hiện thực chính là hiện thực, không có gì vượt ngoài nó cả.[169] Nhưng Hegel không cho rằng ý thức đứng im và dựa trên những nền tảng bất biến, như những Phạm trù của Kant, mà chính nó cũng biến đổi không ngừng cùng với sự biến đổi của thế giới. Ý thức không chỉ đơn thuần là những gì ta nhận thức được mà tự nó cũng là một phần trong tiến trình phát triển. Quá trình phát triển này có tính biện chứng (dialectic), một khái niệm triết học có ý nghĩa rất đặc thù trong triết học của Hegel.[170]

Khái niệm biện chứng là cách mà Hegel biện giải về sự phát triển của mọi vật, trong đó có ý thức. Ngày nay, phép biện chứng của Hegel thường được mô tả bằng mô hình có ba phần: đầu tiên, một ý tưởng khởi điểm sẽ được đưa ra, gọi là chính đề (thesis); ý tưởng này sẽ gặp phải sự đối nghịch từ phản đề (antithesis), sự giải quyết mâu thuẫn từ hai ý tưởng này sẽ dẫn đến một ý niệm toàn diện hơn gọi là hợp đề (synthesis). Chính hợp đề này sẽ trở thành một chính đề tiếp theo và quá trình cứ lặp lại liên tục như vậy. Ta có thể nêu một ví dụ để làm rõ hơn quá trình này. Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Parmenides cho rằng tất cả mọi thứ đều có tính chất vĩnh hằng và bất biến. Ý tưởng đối nghịch với ý tưởng này đến từ Heraclitus, ông cho rằng: vạn vật đều vận động và biến chuyển không bao giờ ngừng. Cả hai lý thuyết này đều không hoàn thiện cũng như đều chứa đựng trong mình những điểm bất hợp lý. Sự tổng hợp của hai ý tưởng này được tìm thấy ở Plato khi ông cho rằng: có một khía cạnh của thế giới là bất biến (thế giới của những Ý niệm hoặc Mô thức) và một khía cạnh của thế giới luôn luôn biến đổi (thế giới vật lý thông thường). Như vậy, từ hai ý tưởng ban đầu đã dẫn đến một ý tưởng hoàn thiện hơn và như lịch sử đã chỉ ra, ý tưởng mới sẽ lặp lại quá trình và tiếp tục phát triển.

Dù mô hình ba phần này là một cách lý giải dễ nắm bắt cho phép biện chứng của Hegel, ta cần phải lưu ý hai điều. Một là, bản thân Hegel rất ít khi sử dụng những khái niệm như chính đề, phản đề và hợp đề; trên thực tế đây là những thuật ngữ mà nhà triết học đi trước ông, Fichte, thường sử dụng. Hai là, quá trình biện chứng không nhất thiết phải đi theo con đường mâu thuẫn giữa hai ý tưởng như đã nêu, có thể ý tưởng đầu tiên đã chứa trong lòng nó những phi lý nhất định, hoặc hai ý tưởng có thể bổ trợ cho nhau để hình thành một ý tưởng hoàn thiện hơn.

Một điều quan trọng khác mà Hegel đạt được trong hệ thống triết học của ông là xem xét về tầm quan trọng của lịch sử. Khác với các quan điểm trước đó cho rằng ý thức tồn tại riêng biệt và không thay đổi theo thời gian, triết học của Hegel nhấn mạnh chủ nghĩa lịch sử (Historicism) và cho rằng tư tưởng hay ý niệm phải là sản phẩm của thời đại và không thể tách chúng ra khỏi bối cảnh cũng như hoàn cảnh lịch sử. Nếu nhìn thoáng qua lịch sử triết học, ta có thể sẽ thấy đó không là gì ngoài một tập hợp của những tư tưởng khác nhau và chứa đầy những lỗ hổng. Song Hegel cho rằng, quá trình này cũng chứa đựng logic và mục đích, không có giai đoạn nào có thể tách rời với tổng thể vì mỗi ý tưởng là tiền đề cần thiết cho ý tưởng tiếp theo. Cũng giống như quả táo không thể tự nhiên xuất hiện từ đất, nó phải trải qua vô số giai đoạn kể từ lúc bắt đầu được gieo hạt cho đến khi đơm hoa kết quả, những tư tưởng hoàn thiện hơn cũng trải qua một quá trình lịch sử lâu dài với nguyên liệu là những tư tưởng sơ khai trước đó. Như vậy, sự phát triển trong lịch sử triết học là một sự phát triển có tính biện chứng. Lịch sử nói chung cũng như vậy, nó giống như một mảnh giấy gấp đang từ từ được mở ra. Ta không thể biết mảnh giấy thực sự viết gì cho đến khi nó được lật mở, cũng như không thể biết kết thúc của mảnh giấy là gì, nhưng ta biết về cách thức (hay cấu trúc) mà nó sẽ được mở ra. Lịch sử cũng vậy, đó không phải chỉ là những sự kiện ngẫu nhiên liên tục hết cái này đến cái khác như ta thoạt nhìn qua, bên dưới nó, như Hegel nói, ẩn chứa những cấu trúc và mục đích nhất định.